Mỹ Tho
Mỹ Tho

Tỉnh/thành: Tiền Giang

Mô tả:

Về hành chánh, tỉnh Tiền Giang trong dân gian, quen gọi là vùng Mỹ Tho. Trước khi Pháp đến và những năm đầu thế kỷ XX, Mỹ Tho sầm uất, chỉ thua Sài Gòn, bấy giờ Cần Thơ chỉ mới thành hình, chưa khẳng định vai trò, việc khẩn hoang ở miền Tây còn ở bước đầu. "Trên Sài Gòn, dưới Mỹ Tho,

Đâu đâu phong cảnh cũng nhường cho..."

Qui tụ đông dân cư, dễ sống, nhiều kinh rạch chằng chịt góp phần tiêu tưới cho đồng ruộng vườn tược, không tốn công làm thủy lợi như phía Cà Mau, Rạch Giá. Đây là đất Ba Giồng, thời Nguyễn Ánh và Tây Sơn tranh chấp nhau, cuối thế kỷ thứ XVIII ai chiếm được vùng này là giữ được Nam Bộ, với dân cư đông đúc, lúa gạo phì nhiêu. Mỹ đã tập trung thế lực để nắm vùng này, vì vậy nảy ra danh từ quân sự “bình định đồng bằng sông Cửu Long”. Nói chung, nơi nào gần sông rạch, ven sông Tiền, luôn luôn đủ nước ngọt, đất cao ráo, không bị lũ lụt, cây cam, cây quýt mọc dễ dàng. Cuối thế kỷ XIX, phong trào Thiên Hộ Dương, Thủ Khoa Huân đã xuất phát nơi đây. Nhờ định cư lập nghiệp từ 300 năm nên làng xóm định hình với nhiều chùa chiền đình miếu; nghi thức cúng tế nghiêm chỉnh.

Thủ Khoa Huân là kẻ sĩ tiêu biểu cho tinh thần kháng Pháp hồi cuối thế kỷ XIX. Xuất thân là nhà nho, ở Bình Định, ông vào Mỹ Tho dạy học rồi tham gia cuộc kháng chiến của Thiên Hộ Dương. Bị bắt lần thứ nhất, ông bị đày qua Châu Phi, trở về, được Phủ Phương (sau này lãnh chức tổng đốc của Pháp) bảo lãnh đưa về Chợ Lớn để dạy học cho gia đình, nhưng bên trong là kiểm soát theo dõi.

Tại Chợ Lớn, ông móc nối với các hội kín và các nhân sĩ yêu nước, lấy Chợ Gạo (một huyện của Mỹ Tho) làm trung tâm rồi triển khai. Ông Thủ Khoa trốn đi khỏi Chợ Lớn, cuộc khởi nghĩa diễn ra khắp Tân An, quận Châu Thành trước sự đàn áp của giặc. Rốt cuộc ông bị bắt tại Chợ Gạo rồi đưa về Bến Tre, bị xử tử hình. Ông có làm bài thơ tuyệt mệnh bằng chữ Hán mà sau này cụ Phan Bội Châu dịch lại:

"Ruổi dong vó ngựa trả thù chung,

Binh bại cho nên mạng phải cùng.

Tiết nghĩa vẫn lưu cùng vũ trụ,

Hơn thua sá kể với anh hùng,

Nổi xung mất vía quân Hồ Lỗ,

Quyết thác không hàng, rạng núi sông.

Tho thủy ngày nay pha máu đỏ,

Đảo Rồng hiu hắt ngọn thu phong”.

“Tho Thủy” là nước sông Mỹ Tho, “quân Hồ Lỗ” là quân ngoại xâm. Phần mộ của Thủ Khoa Huân nay còn bảo quản tốt ở Bến Tranh, phía chợ Tân Hiệp trên đường từ Mỹ Tho đi Sài Gòn nhìn vào. Ngày nay, hầu hết các tỉnh lỵ ở Nam Bộ đều lấy tên cụ mà đặt cho đường phố, trường học.

Đình Điều Hòa ở tại chợ Mỹ Tho thuộc vào loại hình có tầm cỡ, bảo quản tốt, thờ bốn vị nữ thánh, hiểu là bà hoàng hậu và ba đứa con đã hy sinh, trở thành nữ thần phù hộ người đi biển, gọi khái quát là bà Đại Càn. Ở Nghệ An, có đền thờ quan trọng nhất, tại cửa Cờn, viết ra chữ Hán là Càn. Ta suy luận người ở Mỹ Tho thời xưa từ miền Trung đến, theo đường biển.

Mỹ Tho có nhiều chùa xưa, so với các tỉnh phía đồng bằng, nhưng đáng gọi là kỳ quan vẫn là chùa Vĩnh Tràng (Trường) ở sát tỉnh lỵ. Đây là kiểu kiến trúc vừa dân tộc, vừa hiện đại, chùa cất khoảng trăm năm thôi, sau khi Pháp đến nhưng hấp dẫn du khách. Nếu những ngôi chùa xưa thường là thấp, thiếu ánh sáng, bên trong thâm nghiêm âm u thì chùa Vĩnh Tràng gợi vẻ tươi mát, yêu đời. Đây là kỹ thuật mới về trang trí mà người Pháp ca ngợi, gọi là “phong cách Khải Định”. Vua Khải Định qua Pháp, xem kiến trúc lâu đài Tây Phương, khi trở về nghĩ ra việc cách tân kiến trúc cổ truyền mà đỉnh cao là lăng của ông. Cao ráo, nền lót gạch bông, nhiều cửa sổ, trang trí nội thất cùng với những tranh cảnh, hoa văn đều dùng miểng sành sứ, nếu cần thì đập những tô chén mới, để ráp nối với những màu sắc rực rỡ. Miểng sành sứ là mô phỏng theo kỹ thuật gạch men, vẽ tranh cảnh của Tây Phương, nhiều miếng ráp lại thành bức tranh hoặc đóa hoa. Ở đây, dùng những miểng nhiều màu gắn kề nhau, kiểu cẩn xà cừ, để có hình mai, lan, cúc, trúc, hoặc rồng, phụng. Thế mạnh của gắn sành sứ là rực rỡ, khi ánh sáng rọi vào, dễ bảo quản, nếu cần dùng nước lạnh mà rửa thì men sẽ bóng láng như mới. Ở Sài Gòn, giai đoạn Pháp mới đến, có chùa Giác Viên, sau này là lăng Lê Văn Duyệt đã sử dụng khá thành công kỹ thuật này, mà sở trường trong nghề là những nghệ nhân từ Lái Thiêu (tỉnh Sông Bé).

Vào chùa Vĩnh Tràng, ta thấy sự lộng lẫy, có tượng Phật khá to. Cổng tam quan là công trình lớn, ở Nam Bộ ít chùa nào sánh kịp, chứng tỏ mức giàu có của người địa phương và các thân sĩ.

Vùng Vĩnh Kim (chợ Giữa) điển hình cho miệt vườn, đất tốt, nổi danh một thời với giống vú sữa Lò Rèn, do một ông thợ rèn đem giống về (từ đâu không rõ), vỏ mỏng láng, thơm và ngọt hơn các giống vú sữa khác, bán có giá trên thị trường, đẹp về hình thức lại có chất lượng.

Rạch Gầm là con rạch ăn ra sông Tiền, nghe đến, ai không nức lòng nhớ đến vị anh hùng trẻ tuổi Nguyễn Huệ, lần đầu tiên đến vùng Tiền Giang nhưng ông đã biết tận dụng địa thế sông nước đánh tan hai vạn quân Xiêm. Vì chữ Hán không có chữ tương đương nên viết chữ Sầm, đọc là Gầm.

Vùng Rạch Gầm, chợ giữa gồm nhiều làng, trên diện tích nhỏ, dân cư khá đông, thiên nhiên ưu đãi từ thời xa xưa nên có người định cư sớm. Lê Văn Duyệt sinh trưởng ở vùng này, lập công giúp chúa Nguyễn vì tầm nhìn của ông bây giờ chỉ thấy chuyện của địa phương. Ở Vĩnh Kim, có vị tiến sĩ thứ nhì của Nam Bộ là Phan Hiển Đạo, từng ra Huế học, có năng khiếu về cổ nhạc, chính ông đã phổ biến nhạc Huế, có căn cơ, vào Nam Bộ, từ đó phong trào nhạc tài tử phát triển đến các tỉnh lân cận, lần hồi triển khai, vận dụng qua tuồng cải lương, bỏ những bản hát nam, hát khách và những điệu múa “đá giáp phun râu”, để diễn xuất với động tác hiện thực hơn. Nhờ vậy, sân khấu có thể diễn những tuồng xã hội, phản ánh những buồn vui đương thời. Thay vì nhắc những chuyện như Tiết Đinh San, Trương Phi.

Ở Vĩnh Kim, nhờ sông nước êm đềm, không bị lũ lụt đến mức thảm hại như phía Đồng Tháp Mười nên giới trung nông, giáo viên có thể giải trí văn hóa, lại ít tốn tiền. Thú vui ấy gọi là “Thả cầm thi”, cái tên nghe không ổn cho lắm. Năm ba người bạn, vào đêm trăng tìm chiếc thuyền nhỏ, mang theo đàn kìm, đàn tranh, cái hỏa lò, rau sống, thịt bò, tôm. Thả theo dòng nước, họ đàn ca, ngâm thơ tùy hứng, sau đó ăn đặc sản và uống rượu, đến khi trăng lặn mới về. Trên sông gió mát, có con cò con vạc bay ngang, bên bờ, với ánh đèn của nhà ở ven sông, ánh đèn của ngư phủ, thêm rặng cây bần đầy đom đóm.

Với nhịp sống dồn dập ngày nay, thêm phương tiện băng nhạc, thú vui này gần như ít người nghĩ đến vì mất thời giờ. Họa chăng nhiều bạn nhậu thả thuyền trên sông, nghe nhạc. Cầu mong cho môi trường sông rạch đừng ô nhiễm trong tương lai.

Cây trái của Miệt Vườn phát triển vì công lao bỏ ra ít mà huê lợi thâu vào nhiều hơn làm ruộng. Nhà vườn ít khi dầm mưa, dải nắng. Đó là nhờ kỹ thuật đào mương lên liếp. Đào mương nhỏ, và dài rồi lấy đất đắp lên những liếp dài, hình chữ nhật, những mương cây này có nước chảy thông qua lại, ăn ra sông Cái. Nước lớn, nhất là mùa lũ, đưa phù sa tuôn vào, phù sa lắng xuống mương, sau đôi ba năm mương cạn, cứ móc đất, nạo vét, lấy phù sa bồi đắp gốc cam gốc quýt, thế là có thứ phân tốt. Nước ròng, dùng tấm đăng chặn lại, cá tôm không ra được, bắt lên, dư ăn trong ngày.

Xem qua thì đơn giản, nhưng đây là sự tìm tòi, ứng dụng hợp lý, dựa vào sông nước Cửu Long để làm vườn, một kỹ thuật độc đáo mà khách nước ngoài khen ngợi.

Nhãn là đặc sản của vùng này, chứng tỏ dân Miệt Vườn rất năng động, không bảo thủ. Trước kia, ai cũng tưởng rằng nhãn có ở vùng đất ven biển như Vĩnh Châu (Minh Hải) hoặc giồng đất cát gần Vũng Tàu mà thôi. Với kinh tế thị trường cùng sự thu nhập giống mới cải tạo và cải tạo giống, người miệt vườn đã thử nghiệm rất thành công về cây nhãn, đặc biệt là giống nhãn da bò, năng suất cao. Lại cải tiến kỹ thuật tiêu tưới, tận dụng thế mạnh của phân hóa học, người địa phương cho nhãn có trái “trái mùa”, vừa sau tết, nhờ vậy bán giá cao. Chôm chôm nhãn, giống mới ra đời, cơm dày, thơm như nhãn nhưng chưa thành công cho lắm vì về hình thức trái này có màu không đẹp.

Nhìn những vườn nhãn dọc theo quốc lộ, ta không khỏi tự hào, thấy rằng đất là mẹ hiền, khéo sử dụng, đất chẳng bao giờ phụ con người. Nhưng một nét của miệt vườn sông Cửu Long vẫn là sinh hoạt của vùng cù lao Năm Thôn, được trưng khẩu từ ba trăm năm, với ưu thế phù sa tốt. Gần cù lao này, lần hồi bồi đắp thêm những cù lao nhỏ, gọi Cồn: thí dụ Cồn Tre.

Từ Cai Lậy, ta chịu khó theo con lộ nhỏ, xuống bờ sông Tiền, bên kia là cù lao, gió thổi mát rượi. Nhìn con sông rộng vẫn không thích thú như khi ta bắt gặp vài cù lao giữa sông. Cù lao tạo thêm vẻ ấm cúng, thân mật.

Cồn Tre, đặt tên như thế vì khi phù sa vừa nổi lên mặt nước, chưa có hình dáng rõ rệt, bốn phía sóng vỗ ngày đêm tưởng chừng như vùng phù sa nhỏ bé ấy sẽ sụp lở, dời đi nơi khác.

Bỗng dưng trong mớ rác rến, cỏ dại và lục bình phiêu bạt lại có một gốc tre tươi, chắc là từ phía thượng nguồn trôi đến vì đất lở. Gốc tre ấy nằm nghiêng, nhờ rễ và nhánh vướng lại nên không trôi, phù sa quyện vào, mọc nghiêng rồi mọc thẳng, bám rễ chắc chắn. Gốc ra lần hồi trở thành bụi tre nhỏ, rễ tre gìn giữ phù sa. Nhiều trái bần chín rụng trôi đến, tan rã, hột bần mọc lên, trăm hột được vài chục hột. Hiện tượng sống động ấy kéo dài chừng mươi năm. Có người thấy địa thế tốt, lại là đất vô chủ nên xin trưng khẩn, chờ tương lai gần, thế nào cũng tìm được vùng đất màu mỡ mà cắm dùi, trồng thêm vài nhánh bần để giữ đất. Cồn Tre thành hình, ngày càng to rộng, thêm người khác đến, không ai tranh cãi với ai. Nơi đất mới, giữa sóng gió muôn trùng, cần góp sức, mỗi người trồng thêm bần một phía. Vùng Cồn Tre quả là phì nhiêu, ban đầu, trồng đu đủ rồi mía, rủi sạt lở cũng không mất vốn. Các giống cây ăn trái cần đất cứng “có chân” vững hơn. Đến nay, đó là vùng đất lý tưởng, chung quanh có bờ đê để chận nước lớn và đề phòng những cơn lũ lụt. Nhờ bờ đê, bên trong đất trở nên khô ráo, từng khoảnh trên đê, bố trí ống cống để điều chỉnh cho nước ra vào.

Với lòng yêu quê hương đất nước, du khách đã thấy sức cần cù, kiên nhẫn của người phía đồng bằng. Lại còn sự cực khổ, thiếu tiệm quán, thiếu thuốc men lúc đau ốm, phải liên lạc với cù lao lớn, hoặc với phía đất liền. Nhà cửa lần hồi khang trang, nhờ khai thác tối đa khả năng mà thiên nhiên cho phép.

Nuôi vịt, thả ấu, lặn xuống bãi mò ốc gạo vì vùng này là nơi lý tưởng cho ốc gạo sinh sôi nẩy nở. Ốc gạo ăn ngon, bán giá cao, tại Bắc Mỹ Thuận, lắm khi đưa về Sài Gòn, béo và mềm, có thể gọi là món ngon nhất trong các loài ốc ở sông. Ốc gạo dường như chỉ sống quanh quẩn ở sông Tiền, tại vùng Cái Bè, nơi xa hơn, khó gặp với khối lượng to.

Dạo chơi Cồn Tre, cảnh vật hiện ra lạ mắt. Những dây mướp ở đây mọc tươi tắn, không cần săn sóc như trồng để làm cảnh trang trí, hoa vàng lá xanh mơn mởn. Chôm chôm thì khỏi nói, trái to, sai oằn, trẻ con chẳng muốn ăn. Mùa bắp, nhờ phù sa, bắp rất ngọt, ăn vui chơi buổi xế trưa, bán qua đất liền được giá. Nước ra vào theo ống cống khi nước lớn là cá tôm mắc cạn trong vườn, tha hồ ăn nhậu. Nhà cửa khang trang, nỗi buồn là quanh quẩn chỉ nghe nhạc trong băng cát-xết, hoặc xem truyền hình. Muốn giải trí, vào đất liền, thấy bao la, tận phía Vĩnh Long, cũng vui mắt. Ghe tải, đò máy qua lại, rộn rịp nhưng dường như chạy chậm giữa hai bờ sông bao la.

Lúc qua Cồn Tre, nhìn phía thượng nguồn, ta chú ý một hiện tượng lạ: ngay vàm Trà Lọt, xã Hòa Khánh, sông Tiền không chảy bình thường, dòng nước như dựng đứng lên, nhấp nhô, mặc dầu không nổi gió to. Gọi sóng lưỡi búa, rất nguy hiểm, sóng dậy lên, rơi vào thuyền, vì vậy, thuyền bị khẳm rất nhanh, suốt khúc sông không dài cho lắm, chẳng ai tát kịp. Theo tôi hiểu, đây là khúc sông Tiền, khá rộng phía Bắc Mỹ Thuận, bỗng dưng lại bị bó rọ, trở nên hẹp bất thường. Nước chảy xiết, như từ trong lòng cái ve chai khi tuôn ra ngoài, qua cổ chai bé nhỏ. Đồng bào địa phương gọi đây là vàm Mân hoặc vàm Mẫn. Nhất là khi gió lớn, mưa to, sóng nổi lên bất chợt, chẳng ai trở tay kịp mặc dầu đề phòng trước. Nạn đắm thuyền dễ xảy ra. Hồi đầu thế kỷ, khi đường bộ chưa phát triển, ghe chở hàng hóa lúa gạo hoặc hàng tiêu dùng (mua từ Chợ Lớn) khi qua đây thường bị bọn cướp chận đánh ban ngày. Khổ chủ chẳng dám chống cự, cứ lo đề phòng giữ cho ghe không chìm, của cải trong ghe lúc bấy giờ không đáng kể.

Từ xưa, nơi đây cất miếu thờ, ghi “Phong ba miếu”, hiểu là thờ thần sóng gió, quan tri phủ Cao Lãnh, thời Tự Đức là Hồ Trọng Đính lúc đi ngang qua, đã lên xem và sửa tấm biển đề chữ “Hà Dương Thủy Thủ Chi Thần”, cứ tháng 3, tháng 9, tháng 10 hằng năm bày ra cúng tế khá long trọng. Thời trước đây, người chủ ghe khá giả, chủ đò máy đi qua thường đốt pháo gọi là “kính lễ”, cầu linh thần phò hộ may mắn.

“Sông sâu nước chảy” là “địa lý”, là “phong thủy” tốt mà ông cha ta thời xưa đã dành ưu tiên khi muốn định cư. Hiểu theo ngày nay là nơi nước không tù đọng, tiêu tưới dễ dàng, có phù sa từ sông cái bồi đắp, không muỗi mòng, dễ giao lưu với vùng lân cận khi mua bán, chuyên chở sản phẩm buổi kinh tế thị trường.


Tin tức, hình ảnh liên quan

Trao đổi trực tuyến:

1. Phòng Du Lịch Nước Ngoài - Outbound

2. Phòng kinh doanh - SalesDepartment

3. Phòng Du lịch nội địa - Domenstic Tour

4. Phòng Du lịch Hội chợ - Trade Fair Tour

Danh lam thắng cảnh:

Get the Flash Player to see this rotator.

Đối tác liên kết: