Được xem là nơi cung cấp nguồn lương thực cho cả nước và cũng là trung tâm buôn bán ngay giữa một vùng phì nhiêu nhất, điều kiện tự nhiên lại rất thuận lợi về mặt giao thông hàng hải, thương mại... Sài Gòn được các nước phương Tây chú ý ngay từ những năm đầu thế kỷ XIX.
Sau một năm đổ bộ vào Đà Nẵng, năm 1859 quân đội viễn chinh Pháp đánh chiếm Sài Gòn. Nhằm thực hiện mưu đồ chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ nước ta, tiến tới việc xác lập khu vực ảnh hưởng của đế quốc Pháp tại Viễn Đông, Pháp đã gấp rút xúc tiến việc qui hoạch xây dựng Sài Gòn thành một đô thị lớn nhiều chức năng về hành chính, quân sự, kinh tế, cảng v.v... Đứng trước vận mệnh của dân tộc, nhân dân Sài Gòn – Gia Định đã nhất tề đứng dậy chống xâm lăng...
Vào cuối năm 1950, lợi dụng tình hình thực dân Pháp suy yếu, đế quốc Mỹ thừa cơ nhảy vào thay thế Pháp, chủ trương chiếm đóng lâu dài miền Nam. Lúc này, Sài Gòn trở thành thủ đô của miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào. Cùng với việc xây dựng để bảo vệ các cơ quan đầu não về chính trị, quân sự, Mỹ đã đầu tư phát triển xây dựng, mở mang làm cho thành phố Sài Gòn trở thành một trung tâm kinh tế theo hướng tư bản chủ nghĩa.
Thêm một lần nữa, lịch sử đã ghi nhận tinh thần yêu nước nồng nàn và ý thức trách nhiệm cao cả của đồng bào Nam Bộ mà Sài Gòn – Gia Định là bức trường thành kiên cố của Tổ quốc phương Nam, là lực lượng kiên cường bảo vệ sự thống nhất đất nước...
Hôm qua, nhân dân thành phố đã chịu biết bao hy sinh gian khổ. Hôm nay, nhân dân thành phố đã đem hết sức lực, trí tuệ, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, khắc phục hậu quả và hàn gắn vết thương chiến tranh, phấn đấu trở thành một thành phố mạnh về mọi mặt, một thành phố xã hội chủ nghĩa có cơ cấu công – nông nghiệp hiện đại, có văn hóa, khoa học tiên tiến, một thành phố văn minh có tầm cỡ Đông Nam Châu Á.